Đáng sợ nhất của tuổi trẻ chính là sự hời hợt

Nếu có thể chia sẻ một điều gì đó với các bạn trẻ đang khát khao muốn trở thành một trong tương lai thì anh sẽ nói gì?
CEO Trần Trọng Kiên của Thiên Minh Group chia sẻ điều đáng sợ nhất của tuổi trẻ là sự hời hợt “Cuộc sống này cái đáng sợ nhất của các bạn trẻ là sự hời hợt, làm gì cũng không thực sự đam mê, không tập trung sức lực. Hãy bỏ 100% trí tuệ, công sức vào bất kỳ việc gì mình làm”.

CEO Trần Trọng Kiên của Thiên Minh Group chia sẻ điều đáng sợ nhất của tuổi trẻ là sự hời hợt
Làm start-up phải biết chấp nhận thất bại

– Trong các hội thảo kiến tạo FUV, khá nhiều bạn sinh viên khi trả lời câu hỏi giả định: 5-10 năm sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ là ai chọn trở thành một doanh nghiệp start-up, một entrepreneur. Một vài thăm dò khác trên các phương tiện truyền thông cũng cho thấy phần đông bạn trẻ muốn khởi nghiệp thay vì tìm việc làm trong một công ty nào đó. Anh nghĩ sao về phong trào start-up hiện nay?

Đó là một xu hướng tốt để chúng ta có thể tạo dựng ra nhiều giá trị mới.

Thế nhưng, việc làm một cái gì mới luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tôi từng nói trong một hội thảo với nhiều bạn trẻ rằng: “Các bạn phải tin rằng 99% các bạn khởi nghiệp sẽ thất bại.” Đấy là một sự thật vì cứ nhìn vào tuổi thọ của các công ty mới thành lập là rõ: 75% đóng cửa sau 1-2 năm hoạt động, 80-90% đóng cửa sau 3-4 năm, còn tỉ lệ công ty tồn tại được qua 10 năm chỉ đạt 1-2%.

Khi khởi nghiệp, các bạn cần thấy rõ thực tế này. Điều đó có nghĩa là mình sẵn sàng hi sinh tất cả những gì mình bỏ vào đó, thời gian và công sức…để đánh đổi những việc mà có thể sau một thời gian mình sẽ thất bại hoàn toàn.

Ở những nơi có văn hoá chấp nhận thất bại như Mỹ chẳng hạn thì chuyện bạn phá sản rồi bắt đầu công việc mới hoàn toàn bình thường và sẽ không có ai dị nghị, bàn tán về điều đó. Nhưng ở đây, khi chúng ta phá sản thì cơ hội làm lại sẽ khó hơn vì nó liên quan đến lịch sử tín dụng, uy tín cá nhân và một phần do thiếu sự minh bạch này. Nhưng tôi tin với thời gian, mọi thứ sẽ thay đổi tốt hơn. Tất nhiên, việc anh thất bại vì cố tình làm sai hay vi phạm pháp luật lại là chuyện hoàn toàn khác.

Giá trị của tấm bằng đại học?

– Có bao giờ anh thấy tiếc vì mất 6 năm học y nhưng đến khi ra trường lại không sử dụng gì đến tấm bằng bác sỹ hay không?

Chưa bao giờ tôi hối hận vì học ngành y. Thực ra, đó là quãng thời gian đẹp nhất của tuổi trẻ, từ năm 16 tuổi đến 22 tuổi.

Trường Y Hà Nội có kiến trúc rất đẹp. Cách học ở đó cũng hơi khác. Buổi sáng chúng tôi đến bệnh viện, chiều mới về trường học lý thuyết, buổi tối thì đi trực. Lịch học kín mít cả ngày như vậy. Xen giữa các buổi là thời gian đi học ngoại ngữ, ra giảng đường ôn thi. Mỗi ngày đạp xe 25-30 cây số. Ngày nào cũng rèn luyện sức khoẻ như thế nên bạn nào ở thế hệ tôi cũng rất khoẻ.

Hai là chúng tôi học được cách suy nghĩ của một người làm y rằng: anh làm gì thì làm nhưng đừng làm hại người khác. Thứ ba, cách phân tích theo kiểu loại suy dần dần đến khi tìm ra căn nguyên chính xác của vấn đề. Cuối cùng, điều quan trọng tôi học được từ trường y là phải giải quyết căn nguyên, chứ không phải cái ngọn của vấn đề. Tất cả những thứ đó tạo ra một cách tư duy tương đối quan trọng cho sau này, ngay cả khi mình làm kinh doanh.

– Điều anh chia sẻ gợi tôi nhớ đến cách tiếp cận giáo dục hiện đại mà FUV đang theo đuổi, đó là làm sao giúp cho sinh viên có được năng lực tự tư duy, “how to think”, chứ không phải “what to learn”. Đấy là hành trang quan trọng nhất để họ thích ứng với một thế giới liên tục biến động như hiện nay.

Nói thì dễ nhưng muốn áp dụng được điều đó phải có trải nghiệm thực sự. Trường Y đem đến cho mình những trải nghiệm như vậy. Ví dụ như sinh viên phải đọc những cuốn sách dày cả ngàn trang, chưa kể các tài liệu tham khảo của nước ngoài nữa. Cho nên không còn cách nào khác là phải biết đọc nhanh, đọc được bằng nhiều thứ tiếng và có thể tóm tắt thông tin để người khác hiểu được một cách dễ dàng.

– Bây giờ anh còn đọc sách nhiều không?

Mỗi tuần tôi đọc một quyển sách.

– Anh thích đọc những loại sách nào?

Tôi đọc nhiều chủ đề khác nhau, đôi khi là tiểu sử của một vài nhân vật mình thích, hoặc sách về quản trị. Gần đây, tôi thích đọc các sách về lịch sử hiện đại và lịch sử con người. Quyển gần nhất tôi vừa đọc xong là “Sapiens”.

– Anh từng chia sẻ, anh quyết định bỏ tấm bằng bác sĩ để đi làm kinh doanh vì muốn cho con mình khi lớn lên có nhiều lựa chọn tốt hơn. Anh nghĩ như thế nào về các cơ hội lựa chọn của người trẻ hiện nay?

Các bạn trẻ bây giờ may mắn hơn rất nhiều so với thế hệ đi trước vì có nhiều lựa chọn hơn. Thế hệ tôi hồi xưa chỉ có một lựa chọn là phải thi đỗ đại học. Khoảng cách giữa việc đỗ đại học và các lựa chọn khác khá lớn. Ví dụ như trường hợp của tôi, nếu không đỗ đại học thì chỉ có cách đi ra cảng vác xi măng ngay lập tức.

Ngay cả học đại học cũng không có nhiều lựa chọn. Chỉ có vài trường nổi tiếng như y khoa, dược khoa, bách khoa…mà học ở đó có cơ hội nhận học bổng đi Nga và các nước Đông Âu. Tôi nhớ năm đó đứng á khoa kì thi đại học nên có cơ hội ra nước ngoài học. Nhưng đúng năm đó hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu tan rã nên học bổng cho công dân Việt Nam gần như không còn.

Bây giờ thì các bạn có vô số lựa chọn: học trong nước thì có không ít các trường công tốt, hay trường quốc tế. Đi du học cũng có biết bao lựa chọn.

Tuy nhiên, một trong những lý do tôi cam kết mạnh mẽ với Đại học Fulbright là bởi tôi tin rằng trong thời gian tới, giáo dục đại học và sau đại học ở Việt Nam bắt buộc phải phát triển đến trình độ ngang với khu vực và quốc tế. Bởi đấy là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của đất nước và dân tộc Việt Nam trong vòng 100 năm tới.

Nếu chúng ta muốn thực sự phát triển, trước mắt là vượt qua được ngưỡng thu nhập trung bình thấp và nâng hàm lượng chất xám của nền kinh tế lên thì không còn cách nào khác là phát triển gốc rễ là giáo dục. VN đã có hệ thống giáo dục phổ thông tương đối tốt. Rất nhiều bạn học các trường phổ thông bình thường giành được học bổng vào các trường top đầu của thế giới.

Trong khi đó, hệ thống giáo dục đại học lại tương đối tụt hậu. Không còn cách nào khác là VN phải có những trường đại học đẳng cấp quốc tế, có thể đào tạo những người có phẩm chất công dân toàn cầu nhưng làm việc ở Việt Nam, sống ở Việt Nam.

Đáng sợ nhất của tuổi trẻ là sự hời hợt

– Nếu có thể chia sẻ một điều gì đó với các bạn trẻ đang khát khao muốn trở thành một Trần Trọng Kiên trong tương lai thì anh sẽ nói gì?

Thực ra không dễ để đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ. Như con gái tôi hay nói mỗi khi tôi khuyên bảo “Papa, it’s boring. It’s not fun any more” (cười).

Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất đối với các bạn trẻ là sống hết mình cho những gì mình thực sự tin tưởng và đam mê. Cái đáng sợ nhất của các bạn trẻ là sự hời hợt, làm gì cũng không thực sự đam mê, không tập trung sức lực. Hãy bỏ 100% trí tuệ, công sức vào bất kỳ việc gì mình làm, cho dù là chơi bóng rổ, chơi nhạc hay học đại học, bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Ngay cả khi mình thất bại, mình không vào được Harvard hay vô địch bóng đá thì mình cũng không bao giờ phải hối hận. Yêu ai đó cũng phải yêu hết mình. Bởi vì trải nghiệm bạn có được khi theo đuổi đam mê quan trọng hơn thành tựu. Đó là nền tảng của sự xuất sắc.

– Anh có bao giờ định hướng cho con cái mình không?

Thực ra trẻ con ít học từ bố mẹ mà chủ yếu từ bạn bè xung quanh, từ môi trường các cháu sống. Vì vậy, tôi hoàn toàn không định hướng một chút gì cho các con về tương lai. Các con có thể học học toán, học triết học, tâm lý học vân vân…theo sự lựa chọn của các con.

Tôi luôn nói với các con, con có thể theo đuổi bất kỳ thứ gì miễn là phải thực sự đam mê và làm hết sức mình. Có thể mình sẽ thất bại nhưng đó là chuyện hết sức bình thường. Nên thất bại và thất bại càng nhiều càng tốt, đặc biệt là những người trẻ.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *