Hãy dạy những bài học cuộc đời từ thuở mẫu giáo cho con
Tôi sẽ học môn mình thích và cười đùa với giáo viên như hai người bạn, còn tâm sự với họ nữa, được hưởng thụ tự do về mặt tinh thần và không phải chứng kiến những trận bạo hành.
Mẹ dạy rằng muốn có một thứ gì đó tôi phải trả giá mặc dù mẹ không hề nói cụ thể, tôi tự hiểu được khi có điểm 10.
Tôi 15 tuổi, có thể ở tuổi này còn bồng bột, hay giận dỗi cha mẹ và nhạy cảm. Ngay từ nhỏ, nhiều người đã nghĩ ba mẹ vô tâm không biết đến tôi, nhưng tôi nghĩ ba mẹ chỉ đang dạy mình bằng hành động chứ không phải lời nói dù hơi tiêu cực. Lớn lên tôi mới thấy mình không cần phải dựa vào ai ngoài bản thân, kể cả cha mẹ đẻ. Từ năm học mẫu giáo, các bạn đã được đặc quyền khóc đòi cha mẹ dẫn đến trường hay mua đồ chơi, tôi thì không, dù mẹ và ba không hề bận bịu. Nhiều người đã bàn tán khi thấy tôi đi một mình và tôi chỉ nhìn họ một cách lạ lẫm. Mẹ đã dạy rằng muốn có một thứ gì đó tôi phải trả giá mặc dù mẹ không hề nói cụ thể, tôi tự hiểu được khi có điểm 10, kể từ đó tôi coi thường các bạn đua đòi lẫn ba mẹ bạn ấy.
Mẹ dạy tôi xem ba như bù nhìn. Ba đánh tôi khá thường xuyên nhưng tôi không sợ trận đòn đó, cha chỉ có quyền làm tôi khóc khi dành thời gian yêu thương tôi lúc nhỏ. Tôi sinh ra tính lì lợm với những gã vũ phu, gia trưởng, đánh nhau với bọn con trai dám động vào người mình. Tôi cũng học được tính tôn trọng giáo viên một cách chọn lọc từ mẹ, ghét những hành động cố gắng ép tôi vào khuôn khổ.
Tôi được mẹ dạy không thể nhu nhược với đàn ông dù có yêu họ đến đâu. Hiện tại tuy nhiều người chê cười tôi không có bạn trai nhưng tôi không muốn làm hài lòng họ để lôi về một kẻ chỉ biết nói lời yêu đương sáo rỗng. Tôi không bao giờ làm đẹp để làm hài lòng bạn trai, không chấp thuận để hắn tự tiện xin xỏ hay chạm vào mình. Tôi đã học được điều đó sau khi chứng kiến cha đánh mẹ ở chốn đông người chỉ vì bỏ chị em tôi ở nhà đêm khuya để đi họp lớp. Mẹ đã bắt đầu qua lại với nhiều người đàn ông khác sau khi ly dị, tôi nói đùa rằng phụ nữ có quyền tự do và phải đấu tranh với những ai dám tước chúng đi dù có là người thân. Đôi khi tôi không tin vào người lớn vì mình và họ ở một đẳng cấp khác nhau nên chỉ biết trông cậy vào bản thân nhiều hơn. Nhiều người cho rằng tôi tội nghiệp, tôi không nghĩ họ có quyền nói câu đó khi họ chưa bao giờ nuôi tôi một ngày.
Giờ tôi có một cuộc sống bình thường ở ký túc xã bên Mỹ, thực sự cảm thấy thoải mái khi bản thân có thể đi theo sở thích của mình mà không bị ép buộc. Tôi có thể nói chuyện thoải mái với người lớn mà không bị đánh đồng hỗn láo. Tôi sẽ học môn mình thích và cười đùa với giáo viên như hai người bạn, còn tâm sự với họ nữa, được hưởng thụ tự do về mặt tinh thần và không phải chứng kiến những trận bạo hành.
Tôi bị nói là vô ơn khi không chịu về nhà, cũng không biết nữa vì ở bên này đã là gia đình của tôi. Tôi chỉ gửi tiền mình kiếm được từ việc vẽ thuê, thiết kế dạo trên mạng nước ngoài, coi như bù đắp cho gia đình mỗi tháng. Nhưng giờ tôi phải làm sao để có thể mở những lời thật sự cho gia đình dù nó hơi tiêu cực, họ sẽ lắng nghe lý do tôi không muốn về chăng? Tôi nghĩ mình nên viết một cuốn sách chi tiết hơn về gia đình. Cảm ơn mọi người đã đọc bài tâm sự của tôi. Cảm ơn mẹ đã dạy tôi sự chai lì. Tôi muốn sống với mẹ mãi mãi và sẽ tìm mọi cách đưa mẹ về sống với mình.
Leave a Reply